Được và mất khi bố trí thang máy trong nhà

Hotline: 0938815883

Email: Lsuquangminh@gmail.com

    Được và mất khi bố trí thang máy trong nhà

    Tuy tốn kém thêm chi phí, diện tích, thang máy trong nhà lại giúp gia chủ thuận tiện di chuyển, tối ưu không gian.

    Nhiều người phân vân có nên lắp đặt thang máy trong nhà, nhưng do thói quen sinh hoạt và điều kiện của mỗi gia đình khác nhau, nên có thể dựa trên một số khía cạnh sau để cân nhắc:

    Mất

    - Đầu tiên là mất tiền, nhưng không chỉ là mất tiền mua hệ thang máy mà gia chủ sẽ phải chi cho các hạng mục gồm: phí mua thang, xây dựng - lắp đặt, bảo trì... Cụ thể:

    Chi phí mua thang máy: một bộ thang máy bình thường ngoài thị trường có mức giá dao động gần 300 triệu đồng đến trên một tỷ đồng, tùy theo phân khúc, công nghệ... Nhìn chung, khoảng 300-400 triệu đồng là đã có một bộ thang máy chạy tốt.

    Xây dựng, lắp đặt hố thang máy: Tùy theo chủng loại thang, hố xây kín hoặc lắp dựng khung kính, hay theo thiết kế nên khó dự trù được con số chính xác. Tuy nhiên để dễ hiểu, có thể coi phát sinh chi phí này tương đương mức đầu tư xây dựng bình quân trên m2 của ngôi nhà. Giả sử ngôi nhà cao 3 tầng, chi phí xây dựng hố thang máy khoảng 100-150 triệu đồng.

    Ngoài ra, gia chủ cần dự trù thêm khoản chi phí bảo trì, bảo dưỡng thang máy định kỳ để đảm bảo thang hoạt động tốt, an toàn khi sử dụng.

    Thang máy trong nhà phố. Ảnh: Nhà của gió

    Thang máy trong nhà phố. Ảnh: Nhà của gió

    - Mất diện tích: Cụ thể là diện tích đất, diện tích sử dụng phải nhường cho thang máy. Hố thang cơ bản khoảng 4 m2. Với các hệ thang máy kính thì sẽ nhỏ hơn, hoặc một số chủng loại thang máy diện tích rất nhỏ, tuy nhiên loại đó không phổ biến. Ví dụ khu vực công trình giá trị 100 triệu đồng một m2 đất, sẽ mất 400 triệu đồng cho phần đất xây dựng thang máy.

    Bên cạnh đó, gia chủ cần tính toán thêm cả phần diện tích phải làm hành lang trước cửa thang máy. Phần này tùy theo từng cách bố trí, đôi khi công trình có thể thiết kế sảnh thang máy quay vào chung diện tích với sảnh thang bộ, hoặc có thang máy rồi nên thang bộ chấp nhận làm nhỏ đi để tiết kiệm diện tích.

    Được

    - Sự tiện lợi: Một gia đình thường có ông bà, ba mẹ ở cùng hoặc thi thoảng đến chơi, hay chính bản thân gia chủ sau này cũng sẽ già đi. Việc có thang máy trong nhà sẽ giúp người lớn tuổi thuận tiện di chuyển giữa các tầng. Hoặc khi cần bê đồ nặng, đưa mâm cỗ lên phòng thờ tầng trên, sẽ dễ dàng hơn đi thang bộ rất nhiều.

    - Tận dụng hiệu quả diện tích: Ngay cả khi chủ nhà còn trẻ khỏe, nhưng rõ ràng là việc phải thường xuyên chạy lên - xuống giữa tầng một và tầng 3-4... cũng khiến nhiều người cảm thấy ngại ngần. Nếu không có thang máy, khả năng những phòng ở tầng cao sẽ thường xuyên bị bỏ không.

    Thử ví dụ một ngôi nhà lô phố, nếu thiết kế vườn trên mái sẽ giúp gia chủ có thêm không gian riêng tư ngồi thư giãn, ngắm cảnh. Nếu bố trí thang máy trong nhà, chắc chắn khu vườn này sẽ được sử dụng thường xuyên và hiệu quả hơn.

    KTS Trịnh Hải Long - Nguyễn Minh Thủy
    Văn phòng kiến trúc Nhà của gió

    Zalo
    Hotline